Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Tới thăm nhà đày Buôn Mê Thuột

Lợi dụng những bất lợi về địa hình, khí hậu khắc nghiệt, cùng sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa với người dân bản địa, thực dân Pháp đã chọn cao nguyên Đắk Lắk làm nơi cách ly những người tù chính trị ra khỏi phong trào cách mạng của quần chúng. Đó là Nhà đày Buôn Mê, khu di tích hiện nay còn khá nguyên vẹn, nằm ngay trung tâm TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cùng đặt vé máy bay TP Hồ Chí Minh đi Buôn Ma Thuột để tới được nơi đây

Nhà đày Buôn Mê
Cuối thập niên 1920 đầu 1930, phong trào chống thực dân tại Đông Dương tăng cao. Số lượng tù nhân chính trị ngày càng nhiều, thực dân Pháp phải liên tục mở rộng, xây mới các nhà tù và nhà đày làm nơi lưu đày biệt xứ và giam giữ những nhà cách mạng dân tộc bản xứ bị xử án nặng. Tại Trung kỳ, cao nguyên Đắk Lắk lúc bấy giờ nằm giữa bốn bề núi rừng trùng điệp, rậm rạp, nhiều thú dữ, khí hậu khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt bởi nhiều thung lũng, sông suối, ít đường sá. Sống trên cao nguyên Đắk Lắk, chủ yếu là người dân tộc Ê Đê, khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Căn cứ vào những "lợi thế" đó, thực dân Pháp chọn Đắk Lắk làm nơi xây dựng nhà đày.

Ban đầu, Khâm sứ Trung kỳ định xây dựng nhà đày tại huyện Lăk, cách thị xã Buôn Mê Thuột khoảng 50 km. Tuy nhiên, tỉnh trưởng Đắk Lắk bấy giờ đã đề nghị nên xây dựng nhà đày ngay tại thị xã Buôn Mê Thuột trên cơ sở mở rộng nhà lao cũ (xây dựng năm 1900), với lý do việc xây dựng nhà đày mới đòi hỏi chi phí lớn trong khi nước Pháp thời đó đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế; đồng thời, nếu xây dựng nhà đày ở huyện Lăk, phải giải tù nhân đi rất xa, tốn kém nhiều thời gian. Cuối cùng, Khâm sứ Trung kỳ quyết định chọn thị xã Buôn Mê Thuột là nơi xây dựng nhà đày. Nhà đày Buôn Mê Thuột tọa lạc trên khuôn viên rộng gần 2ha, bản thiết kế và kế hoạch do kỹ sư trưởng, giám đốc công chính Trung kỳ soạn thảo theo mô-típ hình chữ U, không có điểm nào rời rạc nhau. Với thiết kế này, nhà đày vừa tận dụng được mặt bằng, vừa kiểm soát được tù nhân một cách hiệu quả nhất. Khác với các nhà tù, nhà đày khác, ở nhà đày Buôn Mê Thuột, các tù nhân phải tự làm nhà tù để giam giữ chính họ.

Nhà đày chia ra 6 lao, mỗi lao giam giữ mỗi loại tù nặng nhẹ khác nhau và một số hạng mục phục vụ cho việc cai trị như: nhà quản ngục, bếp ăn, bệnh xá… Theo thiết kế, khu lao 1, 2 dùng để giam giữ những tù chính trị, được xây dựng giống nhau, mỗi khu dài khoảng 30m, rộng 6,5m, trên tường có cửa sổ nhỏ để lấy ánh sáng, trên trần nhà có chăng dây thép gai. Khu lao 3, 4 nằm ở phía Bắc, là nơi giam giữ tù nhân nguy hiểm; hai lao này nối liền bằng một phòng tra tấn. Khu lao 5, 6 ở phía Đông, dành cho những người đi làm ngoài với những công việc nặng nhọc, vất vả. Trong mỗi lao, trừ một lối giữa để đi lại, hai bên kê sạp gỗ làm chỗ nằm cho tù nhân. Các sạp kéo dài suốt hai phía tường của lao, dưới chân sạp đặt một dãy cùm gỗ có đục lỗ hình bán nguyệt, cứ cách một quãng ngắn có một trụ gỗ chắc chắn để giữ cho hai tấm ván khỏi rời ra, bên cạnh được treo những ống tre để tù nhân đi vệ sinh. Đặc biệt là khu xà lim, nơi giam giữ những tù nhân mà Pháp cho là nguy hiểm và cứng đầu nhất. Khu này có 21 phòng, mỗi phòng có diện tích 1x2,5m, trong phòng có một sạp nằm, cuối sạp có hai ống tre (dùng cho tù nhân đi vệ sinh), thanh cùm chân, trên cánh cửa khoét một lỗ vuông nhỏ chỉ đủ để lính canh giám sát. Bên ngoài hành lang là nơi đưa tù nhân ra tắm nắng, nhưng trong lúc tắm nắng tù nhân vẫn bị cùm chân tại những cục tạ bê tông to được xây sẵn ngoài sân… Bao quanh khu nhà đày là hệ thống tường bao cao 4m, dày 40 cm, phía trên có hàng rào dây thép gai, bốn góc có bốn tháp canh, được lính canh 24/24, từ đây lính có thể quan sát được toàn bộ khuôn viên nhà đày. Nhà đày còn có nhà xưởng- nơi tù nhân làm công cụ lao động, xiềng xích, gông cùm, nhà nguyện, nhà bếp, bể tắm lộ thiên, nhà xí công cộng...

Khi đến nhà đày, mỗi tù nhân được phát một bộ quần áo vải xanh, một chiếc chăn mỏng để chống chọi lại những đêm lạnh thấu xương giữa núi rừng âm u. Không có mùng, tù nhân phải chịu cực hình của nạn muỗi mòng, bọ chó… Không những bị giam cầm, cùm kẹp, bị đánh đập dã man, tù nhân còn phải đi lao dịch khổ sai, bị hành hạ về tinh thần… Thực dân Pháp làm mọi cách để tù nhân kiệt sức mà rời bỏ ý chí đấu tranh, từ bỏ lý tưởng cách mạng. Trên công trường, cứ 5m có một lính khố xanh canh giữ, tù nhân nào ốm yếu, mệt mỏi, không đủ sức làm việc theo lệnh chúng, đều bị lính dùng roi trúc, gậy gỗ đánh vào lưng, vào đầu. Khi tù nhân bị đánh đập chết hoặc chấn thương nặng, chúng thường vứt ra bên ngoài nhà lao cho thú dữ ăn thịt.
Theo: http://dailyjetstar.com/ve-may-bay-di-buon-ma-thuot/ve-may-bay-tp-ho-chi-minh-sai-gon-di-buon-ma-thuot-10988.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét